Ở Buôn Ma Thuột, ngoài nổi tiếng là thủ phủ cà phê thì còn tỉ tỉ thứ hay ho khác, trong đó phải kể đến đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn vặt. Vì đa phần là dân tứ xứ, mọi miền về đây sinh sống và lập nghiệp... do đó Buôn Ma Thuột có ẩm thực đa dạng, được du nhập từ mọi nơi và qua thời gian được chế biến theo sở thích, khí hậu, điều kiện ở đây. Nhiều món ăn đã là đặc sản của vùng khác, nhưng khi đến Buôn Ma Thuột ăn thì sẽ có cảm nhận thật khác.
Mình sống ở Buôn Ma Thuột ngót nghét 9 năm nên cũng hiểu được phần nào, dù phải sau này khi có tiền rồi về mới hay đi ăn thôi. Bài này mình sẽ cập nhật dần những món ăn ngon từng được ăn để bạn bè hay ai đó khi đến Buôn Ma Thuột có thêm thông tin và có cơ hội thưởng thức.
1- Bún riêu Buôn Ma Thuột:
Hồi mới xuống Sài Gòn, khi quán mang bún riêu ra là cứ tưởng là họ nhầm, vì bún riêu Sài Gòn và Buôn Ma Thuột khác xa nhau quá. Nếu như tô bún riêu Sài Gòn đầy đủ với riêu, giò, ốc, thịt, rau muống thì bún riêu Buôn Ma Thuột đơn giản hơn, chỉ có miếng cà chua đỏ, vài miếng tóp mỡ, hành phi và 2,3 miếng riêu to chà bá - ngon hơn cục riêu Sài Gòn mấy trăm lần :"> ăn hết vẫn còn thòm thèm.
Đặc biệt của bún riêu Buôn Ma Thuột nữa là dĩa rau sống ăn kèm, rau xà lách, bắp cải rửa sạch thái thật mỏng bỏ vào tô bún riêu đang nghỉ ngút khói, ăn vừa giòn vừa ngọt. Ăn hết rau lại xin thêm thoải mái. :3
Bún riêu nên ăn buổi sáng, trời lạnh lạnh, uống ly trà nóng và ăn tô bún riêu quá là tuyệt vời.
Mình hay ăn quán ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, gần ngã 3 với Quang Trung, quán này bán lâu lắm rồi, có cả bún thịt nướng cũng ngon.
Hoặc trên Nguyễn Tất Thành, đối diện Biti's có đường chạy vô có quán bún riêu cũng đông khách. Hay đi dọc đường phố BMT thì sáng nhiều chỗ bán lắm. Giá tầm 20k-30k/tô.
2- Bún đỏ
Bún đỏ là loại bún chỉ có ở Buôn Ma Thuột, nằm ngay trường cấp 3 cũ nên lâu lâu cũng ghé ăn. Nếu như bún riêu bán sáng thì bún đỏ chỉ bán vào giấc chiều khoảng 4h đến tối muộn.
Bún đỏ có sợi to như cây đũa và được nhuộm đỏ bằng hạt điều (nghe nói thế), sau đó cho vào nồi nước lèo, tô bún cũng có tóp mỡ và rau (rau cần, rau muống...), có thêm cục chả ngọt ngọt và quả trứng cút.
Nhìn qua thấy giống giống canh bún dưới Sài Gòn nhưng khi ăn thì thấy khác ngay. Đặc biệt thích sợi bún to ngấm gia vị và vị ngọt của rau cần.
Bún đỏ bán góc đường Phan Đình Giót với Lê Duẩn hoặc bên hông Biệt Điện vỉa hè đường Lê Hồng Phong.
3- Bánh canh/bún cá dầm:
Món này chuẩn miền biển và đi theo người Nha Trang du nhập ẩm thực Buôn Ma Thuột từ khá lâu rồi. Nổi tiếng nhất là quán Hương - 57 Hai Bà Trưng, ngay góc ngã tư với Phan Bội Châu.
Quán đông khách nhưng chỉ có 1 món duy nhất, được chuẩn bị sẵn nên khách vừa ngồi xuống ghế là đã có ngay tô nghi ngút khói trước mặt. Gồm 1 tô bánh canh vài miếng cá dầm và 1 chén chả cá nhỏ được trộn với ớt và hành tây.
Sợi bánh canh nhỏ như sợi bún, nhưng dai dai như bánh canh, và khi ăn thì không có đũa, chỉ có thìa thôi. Khi ăn vừa có vị ngọt của chả cá, thơm thơm của hành và cay của ớt. Cực thích hợp ăn vào chiều chiều, trời mưa nhẹ nhẹ. Giá 20k/tô, mà tô hơi nhỏ nên toàn ăn 2 tô mỗi lần.
4- Xôi chiên Phùng Chí Kiên:
Hồi xưa mỗi lần đi học thêm chiều tối toàn lót dạ bằng 1,2 cái bánh xôi chiên ở mấy cái xe đẩy dọc đường. Bánh có chút xíu, đường kính tầm 5cm, xôi có nhân ít miến, mộc nhỉ, thịt được chiên giòn, xịt thêm miếng xì dầu, tương ớt ở giữa...ngon bá cháy. Mà dạo này về ít thấy rồi. Nên mấy lần về hay ghé quán bên đường Phùng Chí Kiên hơn.
Quán bên Phùng Chí Kiên nhỏ xíu, kê 2 cái bàn trong gian nhà lụp xụp, phía trước là cái chảo dầu, bánh chiên được cắt ra dĩa, khi ăn chấm với tương ớt. Quán này nổi tiếng nên đông khách lắm, vừa ngon lại rẻ, 1 dĩa có 5k.
5- Bánh đúc nóng:
Cách quán xôi chiên mấy nhà, cũng trên đường Phùng Chí Kiên (đường này đối diện trường cấp 3 Chu Văn An nên nhiều đồ ăn quá) là quán bánh đúc, có bánh đúc nguội và nóng, mình thì thích ăn đúc nóng hơn. Một phần bánh đúc nóng có mộc nhỉ, thịt băm, hành phi ăn với nước mắm. Ngon mà cũng không mắc, hình như là có 7k/chén à.
6- Nem nướng Ninh Hoà:
Lại một món ăn miền biển được di cư lên núi, có 1 dọc mấy quán đầu đường Lý Thường Kiệt... đi ngang là bị chèo kéo vào ngay.
Hồi xưa ở nhà, lâu lâu chán cơm là có dịp được ăn nem nướng... nên giờ lâu lâu đi ăn chủ yếu để nhớ lại tuổi thơ nhiều hơn. Món này thích hợp ăn no hơn là ăn vặt.
1 phần ăn gồm có 1 dĩa nem được xiên nướng, bánh tráng chiên dòn, một dĩa rau đủ vị: có xà lách, chuối chát, khế chua... và đặc biệt là dĩa củ kiệu, đu đủ, củ cải và hành muối. Tương ăn kèm cũng khá ngon, có vị ngọt và khi nào cũng được đun nóng trước khi ăn.
7- Trà lipton tự pha:
Cái này không phải món ăn, vặt lại càng không. Nhưng là một món cực kỳ đặc biệt khi đi uống cà phê ở Buôn Mê Thuột với mấy vùng Tây Nguyên. Khác hoàn toàn với Sài Gòn nha.
Sẽ có 1 ly trà lipton được pha, mang kèm ra là một dĩa nhỏ trên đó có lung tung thứ. Vài lát cam thảo, mứt cam, viên xí muội, miếng chanh và gói đường. Người uống sẽ tự làm bartender, tự pha chế bằng cách cho các nguyên liệu vào ly, bỏ đường, chanh tủy khẩu vị.
Khi uống có vị chát chát của trà, xen lẫn vị chua ngọt, thơm thơm của cam thảo, xí muội. Nhớ là dằm nát viên xí muội ra sẽ ngon hơn nhiều. Hehe.
Bạn mình hay hỏi đến Buôn Ma Thuột chơi gì, thật ra mình ở Buôn lâu nhưng đa phần thời gian chủ yếu là đi học, đi xe đạp lại không có nhiều tiền nên ít biết mấy chỗ ăn chơi lắm. Sau này có điều kiện hơn nên mỗi lần về đều đi ăn, ăn bù cho những ngày tháng khó khăn :3 Đợt tới có điều kiện sẽ viết bài về các điểm chơi ở Phố Núi. Bài này sẽ cập nhật dần các món ăn ngon được thử ở phố.
Tham khảo thêm:
- Đến Phan Thiết ăn bánh flan Mộng Cầm - nghe chuyện tình Thi sỹ Hàn Mặc Tử
- Những vật dụng cần thiết cho một chuyến leo núi và trekking
- Hướng dẫn Trekking Tà Năng - Phan Dũng 1,5 ngày - cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.
- Đến Phan Thiết ăn bánh flan Mộng Cầm - nghe chuyện tình Thi sỹ Hàn Mặc Tử
- Những vật dụng cần thiết cho một chuyến leo núi và trekking
- Hướng dẫn Trekking Tà Năng - Phan Dũng 1,5 ngày - cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.